08/11/2019
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng mất cân bằng bùn cát, hàng năm, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở, xâm thực mặn. Trong số đó, Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Với 254km bờ biển, trong đó có hơn 200km bị sạt lở (chiếm hơn 80%), ước tính mỗi năm Cà Mau có 254ha đất bị cuốn trôi ra biển. Nhằm tìm các giải pháp để khắc phục tình trạng trên, ngày 08/11/2019, Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp cùng Ban chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao” tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp, công nghệ và vật liệu xây dựng phục vụ công trình ven biển”.
Tham dự buổi hội thảo chuyên đề có TS. Đỗ Văn Lộc – Phó chủ nhiệm thường trực Chương trình “Nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao”; TS. Nguyễn Sỹ Đăng – Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia; ông Nguyễn Long Hoai – Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh Cà Mau; GS.TS Trần Đình Hòa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi; GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, cùng đại diện các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp đang tham gia thi công trong lĩnh vực đê, kè biển tại Việt Nam.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, TS Đỗ Văn Lộc nhấn mạnh ý nghĩa của buổi hội thảo chuyên đề nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để giúp Cà Mau khắc phục tình trạng sạt lở ven biển, từ đó có thể triển khai áp dụng cho các tỉnh khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, buổi hội thảo chuyên đề giúp kết nối giữa chuyên gia, nhà khoa học với các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và địa phương và vai trò hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các Chương trình khoa học công nghệ quốc gia.
![]() |
TS. Đỗ Văn Lộc khai mạc Hội thảo |
Tại buổi hội thảo chuyên đề, các đại biểu tham luận đã nêu lên thực trạng sạt lở tại Cà Mau, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Theo đó, tình trạng sạt lở tại đây hết sức nghiêm trọng, dự kiến đã có 3.880ha rừng phòng hộ bị mất đi. Trong những nguyên nhân được nêu ra thì có hai nguyên nhân chính là tình trạng biến đổi khí hậu và mất cân bằng bùn cát. Để khắc phục tình trạng sạt lở, giải pháp chính là xây dựng kè chắn sóng/tiêu sóng để chống sạt lở, đồng thời có tác dụng giữ phù sa để tạo bãi bồi giúp phát triển rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia buổi hội thảo chuyên đề cũng đã giới thiệu một số vật liệu mới trong thi công đê kè biển và mô hình thiết kế kè chắn sóng/tiêu sóng có thể áp dụng để khắc phục tình trạng sạt lở.
![]() |
GS. TS Trần Đình Hòa phát biểu tại Hội thảo |
Kết thúc buổi hội thảo chuyên đề, các đại biểu tham dự đều đánh giá đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng khi các nhà khoa học có thể tư vấn cho địa phương mô hình tối ưu để chống sạt lở, qua đó có cơ sở để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và xây dựng phương án thiết kế, biện pháp thi công đúng để khắc phục tình trạng trên./.
Thông báo mở hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844 bắt đầu thực hiện từ năm 2020 (đợt 2)
Báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia mã số ĐM.28.DN/18
Báo cáo kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ mã số DA.CT-592.16.2017
kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia mã số NĐT.07.GER/15
Hội thảo chuyên đề “Giải pháp, công nghệ và vật liệu xây dựng phục vụ công trình ven biển”
Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển vòng phỏng vấn
Kết quả tự đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia mã số HNQT/TKCG/01.17